Từ khóa
Tìm kiếm trong
Chuyên mục
Tìm từ ngày Đến ngày
Hệ thống tìm thấy 4 kết quả

"Cô gái xuống ga Vĩnh Yên": Vẻ đẹp tâm hồn của cô gái giang hồ

Ngày phát hành 9:10 | 29/6/2021

Lượt nghe: 1229

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa từng có những tâm sự về hoàn cảnh ra đời của truyện ngắn này trong một bài viết mang tên Trang đời và trang sách. Theo đó, cô gái xuống ga Vĩnh Yên vốn là một câu chuyện có thật ở ngoài đời mà nhân vật tôi trong truyện cũng chính là tác giả. Trên chuyến tàu từ Lào Cai về Hà Nội, anh đã ngồi cùng ghế với một cô gái trẻ tên là Diễm Quyên. Mọi tình tiết diễn ra y như trong diễn biến của câu chuyện chúng ta vừa nghe. Ngoài đời thực, Diễm Quyên đã theo tác giả về ký túc xá ở hẳn một tuần. Phạm Duy Nghĩa nhớ lại: “Quyên là một người khá đặc biệt. Cô chưa học hết cấp 3 và đã từng phiêu dạt trong Nam ngoài Bắc. Lần đầu được đặt chân đến một trường đại học ở thủ đô, cô rất vui và bỡ ngỡ. Trong suốt một tuần ấy, chúng tôi sống trong trẻo như đôi chim non. Tôi hì hục viết luận văn, cô thì mải mê đọc sách và tôi kinh ngạc thấy khả năng thẩm văn của cô còn tốt hơn cả một số nhà phê bình”. Phần hư cấu của Phạm Duy Nghĩa chủ yếu nằm ở cuối truyện. Nếu như Quyên ngoài đời là một cô gái bán cà phê thì Diễm trong truyện là một cô gái điếm. Nhưng chính hư cấu quan trọng này đã đẩy ý nghĩa tư tưởng, ý nghĩa nhân văn của truyện cao thêm một bậc. Văn xuôi Việt Nam hiện đại đã có nhiều đồng cảm giữa nhà văn và những cô gái giang hồ. Từ Nguyên Hồng với nhân vật Tám Bính trong tiểu thuyết Bỉ vỏ, Vũ Trọng Phụng với Huyền trong tiểu thuyết Làm đĩ và sau này là Nguyễn Văn Học với Vy trong tiểu thuyết Gái điếm; các tác giả đều bày tỏ những thông cảm, sẻ chia và nhận ra vẻ đẹp tâm hồn của những người con gái ấy. Với cô gái trong truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa, cô biết yêu cái đẹp của văn chương và ao ước có một tình yêu dù ngắn ngủi nhưng trong sạch, không phải là những cuộc đổi chác bán mua về thân xác.

“Đêm tái sinh”: Sâu thẳm vẻ đẹp tâm hồn

“Đêm tái sinh”: Sâu thẳm vẻ đẹp tâm hồn

Ngày phát hành 9:40 | 10/12/2021

Lượt nghe: 832

Làm đẹp là một trong những nhu cầu của cuộc sống. Đặc biệt là phụ nữ thì càng mong muốn làm đẹp, thế nên người ta mệnh danh cho phụ nữ là phái đẹp. Từ xa xưa người phụ nữ đã biết làm đẹp. Trong xã hội hiện tại thì cái đẹp của người phụ nữ lại càng được chú trọng, nhu cầu làm đẹp của phụ nữ vì thế cũng phát triển theo. Người ta có thể làm đẹp bằng mọi cách, từ trang phục, áo quần, tô son điểm phấn. Và gần đây với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, y học thì phẫu thuật thẩm mỹ là cứu cánh của rất nhiều người. Thế nhưng, bên cạnh cái đẹp đẽ nhân tạo ấy luôn ẩn chứa nhiều rủi ro. Nhân vật Ly Ly trong truyện ngắn “ Đêm Tái Sinh” là thế. Cái đẹp hình thể của Ly Ly là điều cần thiết cho sự nghiệp người mẫu của cô. Nhưng mặt trái của phẫu thuật thẩm mỹ để tìm đến cái đẹp hình thể của Ly Ly đã phải trả giá bằng sự đau đớn tuyệt vọng. Thật may mắn, Ly Ly đã gặp cô bạn gái một cách tình cờ. Chính cô bạn gái đã hiến tặng cho cô thứ Ly Ly cần. Xuyên suốt truyện ngắn là thông điệp mà Tâm An muốn gửi đến độc giả, hãy yêu thương trân trọng thân thể mình. Bởi cái đẹp của người phụ nữ, xét cho cùng vẫn là cái đẹp sâu thẳm trong tâm hồn. Tâm An chọn lối dẫn truyện đi thẳng vào vấn đề. Cách đặt vấn đề hết sức tự nhiên và hoá giải nó. Nhân vật Ly Ly thật đáng thương khi phải mang một cơ thể khiếm khuyết, sự khiếm khuyết ấy lại rất quan trọng với sự nghiệp của cô. Và cái giá của nhân vật Ly Ly hầu như độc giả nào cũng đoán định được. Thế nhưng ở đây, tác giả khéo léo cài cắm nhân vật phụ là cô bạn gái, để rồi tạo nên điểm nhấn nhân văn cho toàn bộ câu chuyện của anh. Chi tiết ở phần mở bài ẩn chứa đầy nghệ thuật. Tác giả lấy bối cảnh trên con tàu chạy về phía đường hầm tăm tối. Ít nhiều trong cuộc sống con người chúng ta vẫn gặp những đường hầm ấy, thoát khỏi đường hầm là ánh sáng, là khởi đầu của những điều tốt đẹp mới. Truyện của Tâm An dễ đọc, dễ hiểu với hệ thống cấu trúc từ ngữ giản đơn và gần gũi. Nhưng phía sau những điều tưởng chừng giản đơn ấy là những cảnh đời éo le nghịch cảnh. Truyện “Đêm tái sinh” khiến người đọc, người nghe cảm thấy day rứt bâng khuâng và rồi thở phào nhẹ nhõm với lối kết truyện mang đầy tính nhân văn. (Lời bình của BTV Vân Khánh)

Nàng tiên cóc: vẻ đẹp tâm hồn ẩn vẻ ngoài xấu xí

Nàng tiên cóc: vẻ đẹp tâm hồn ẩn vẻ ngoài xấu xí

Ngày phát hành 0:0 | 4/6/2015

Lượt nghe: 1678

Ẩn trong lốt loài vật bé nhỏ mà gan dạ, nàng tiên cóc đã không phụ lại tình thương yêu của cha mẹ và anh học trò. Không những giúp cha mẹ làm những việc có ích, nàng còn làm cho chồng nở mày nở mặt, học hành thi cử đỗ đạt. (Kể chuyện và hát ru cho bé 6 + 7/6).

Tiếng đàn ngân rung vẻ đẹp tâm hồn con người trong hai truyện ngắn "Sợi dây đàn thất lạc" và "Người chơi đàn lặng lẽ"

Tiếng đàn ngân rung vẻ đẹp tâm hồn con người trong hai truyện ngắn

Ngày phát hành 11:12 | 23/3/2022

Lượt nghe: 1042

Nhà văn Đỗ Phấn, một người bạn thân tình của tác giả đã dành một lời bình như sau cho truyện ngắn Sợi dây đàn thất lạc: “Dù cho tác giả tâm sự rằng đây là một câu chuyện có thật thì ta vẫn dễ dàng nhận thấy một phẩm tính văn chương hồn hậu trong trẻo. Thứ đã thiếu vắng rất lâu trong văn học Việt hôm nay. Thứ đã từng làm nên gương mặt điển hình của văn chương phi hư cấu Việt Nam giai đoạn hiện thực xã hội chủ nghĩa. Câu chuyện với một cấu trúc đơn giản, tuyến tính được kể với giọng chậm rãi, ngậm ngùi như những nốt nhạc thong thả gieo vào tâm trí bất cứ ai đã từng sống qua những tháng năm chiến tranh vệ quốc. Đó là một hoàn cảnh hết sức bình thường của những nhân vật bình thường trong chiến tranh. Chẳng có gì là điển hình cho ai hay cái gì. Nó như muôn ngàn câu chuyện thời chiến được nhìn với ánh mắt trẻ thơ trong trẻo và rung động sâu sắc. Nó chính là những góc khuất thường nhật của cả một thời gian dài trong chiến tranh. Cuộc chiến tranh mang lại rất nhiều đau thương mất mát, nhưng ở một góc nhìn văn nghệ mà cụ thể là âm nhạc ta mới thấy những mất mát lớn đến không ngờ. Mất mát ước mơ của cả người còn sống và người đã mất. May mắn thay, ước mơ vẫn còn nằm trọn vẹn trong kí ức của một lớp người đã trải qua như một tài sản vĩnh cửu để lại cho cháu con”. Với truyện ngắn của Trần Thị Tú Ngọc, đây là một cây bút sinh ra và lớn lên khi đất nước đã bước vào hòa bình. Tiếng đàn trong truyện ngắn Người chơi đàn lặng lẽ từ chỗ tìm được sự đồng cảm và sẻ chia của một con người, đã làm được những điều lớn lao hơn, có ý nghĩa xã hội rộng lớn hơn khi nghệ sĩ chơi đàn tổ chức một buổi biểu diễn để gây quỹ ủng hộ những em bé có hoàn cảnh khó khăn trong thành phố. Người nghệ sĩ ấy không mưu cầu sự nổi tiếng hay tạo vinh quang cho bản thân, khi anh đến và khi anh rời đi đều lặng lẽ. Nhưng rồi, một cái kết mở ở cuối truyện cho người đọc nhiều hy vọng về sự gắn bó đồng điệu giữa hai tâm hồn giàu lòng nhân ái. Cả hai truyện ngắn chúng ta vừa nghe đều mang đến những xúc cảm thật đẹp của tiếng đàn. Những tiếng đàn mang theo nó vẻ đẹp tâm hồn của người chơi đàn và từ đó lan tỏa những năng lượng tích cực đến mọi người xung quanh. Khi mỗi chúng ta được xúc động trước âm nhạc, điều đó cũng đồng nghĩa với việc cái chân, thiện, mỹ thêm một lần đến gần hơn với mỗi con người.

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
08h00 - 08h30 Văn nghệ
08h30 - 08h45 Làn sóng Nghệ thuật
08h45 - 09h00 Câu chuyện nghệ thuật
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
14h30 - 15h00 Xin chờ hồi kết
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Văn nghệ
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 20h00 Xin chờ hồi kết
20h30 - 20h45 Làn sóng Nghệ thuật
20h45 - 21h00 Câu chuyện nghệ thuật
21h45 - 22h00 Kể chuyện và Hát ru cho bé
22h30 - 23h00 Đọc truyện đêm khuya